UI/UX có lẽ là một trong những phân nhánh của Game Design gây khó khăn cho không ít game designer khi họ là những người làm trái ngành. Nhất là đối với những người nhảy từ vị trí dev, hay được đào tạo về các ngành như ngôn ngữ, kinh tế,… thì việc tiếp cận với UI/UX Design quả thực gặp nhiều khó khăn hơn hẳn so với các artist hay những người đã được đào tạo về thiết kế đồ họa. Tuy nhiên, không phải là không có cách nào để giải quyết được khó khăn này.
Trước hết, để nhập môn, chúng ta cần phải hiểu những điều cơ bản về màu sắc và bố cục hình ảnh.
Về màu sắc, ta cần hiểu những khái niệm cơ bản như saturation, hue, shade,… các cách phối màu phổ biến cũng như các lỗi thường gặp trong việc phối màu. Việc này sẽ giúp ta có được những hình dung cơ bản về cách sử dụng màu cho một hình ảnh và có thể biết được màu sắc được sử dụng như thế nào là tốt và như thế nào thì không, nếu không tốt thì là vì lý do gì và cải thiện như thế nào.
Tương tự đối với bố cục hình ảnh. Ta nên biết được những loại bố cục phổ biến và tác dụng của chúng đối với hình ảnh mà mình muốn tạo ra. Vì bên cạnh màu sắc, đây cũng là một yếu tố quyết định hình ảnh đẹp hay không và đối tượng nào trong hình ảnh được làm nổi bật.
Sau quá trình tìm hiểu đó, chúng ta cần luyện tập để áp dụng các lý thuyết đã tìm hiểu được. Cách luyện tập đơn giản nhất chính là mở rộng thư viện hình ảnh của mình, tất nhiên là các hình ảnh về UI của game. Ta có thể thu thập các hình ảnh đó trên Pinterest, sau đó quan sát kĩ từng ảnh, phân tích về màu sắc và bố cục của hình ảnh đó dựa trên các lý thuyết có được. Những hình ảnh này nên được lưu lại để làm tham chiếu cho các UI cho game của chúng ta sau này. Nên lưu cả các UI tốt để học hỏi lẫn các UI không tốt để có thể rút ra các bài học về màu sắc, bố cục và tránh các lỗi đó.
Cách luyện tập này sẽ giúp chúng ta mở rộng thư viện UI/UX của mình, nắm chắc các quy tắc về màu sắc và bố cục. Và khi nắm chắc các quy tắc này ở một mức độ nào đó, ta có thể tạo ra những phá cách đáng nể như trong game Persona.