“Đã làm game thì phải chơi game, còn không chơi game thì đừng làm game”. Đây là một câu nói nửa thật nửa đùa của các anh em trong ngành game thường nói với nhau và nếu xem xét một cách nghiêm túc, thì câu nói này luôn đúng. Bởi lẽ, ngày càng có nhiều tựa game xuất hiện trên thị trường, lớn có, nhỏ có, tốt có, tệ cũng có. Có game làm tốt ở phần UI/UX nhưng lại tệ ở gameplay, game thì tốt ở đồ họa nhưng cốt truyện lại cực kỳ nhạt nhẽo. Với tư cách là một game designer, chúng ta phải không ngừng tìm kiếm cho mình những bài học từ thị trường, học cả từ những cái hay để áp dụng lẫn những cái dở để né tránh sai lầm. Việc chơi các game cả hay lẫn dở chính là để phục vụ cho mục đích học hỏi đó. Nhưng nên làm thế nào để việc chơi game trở thành một hoạt động học hỏi nghiên cứu thay vì là chơi để giải trí?
Trước tiên, chúng ta cần cố gắng để ý đến cảm nhận của bản thân mỗi khi một sự kiện nào đó trong game diễn ra ( tutorial, popup nâng cấp nhân vật xuất hiện, chiến thắng/ thất bại ở một màn chơi,…) và có thể ghi chú ra đâu đó ví dụ như một tờ nháp. Bên cạnh đó, hãy cố gắng chụp ảnh màn hình game nhiều nhất có thể. Điều này không chỉ nhằm lưu trữ và phân tích UI của game, nó còn là một cơ sở để giúp ta nhớ lại một sự kiện nào đó diễn ra gây ảnh hưởng đến cảm nhận của mình lúc đang chơi vì hình ảnh sẽ có tác dụng gợi nhớ tốt hơn rất nhiều so với câu từ.
Tiếp theo đó, dựa trên các ghi chú hay những gì còn nhớ được cùng các ảnh chụp màn hình đã lưu lại, chúng ta nên viết một bài review về game đó. Ngoài mô tả về gameplay, cũng nên có những đánh giá sơ bộ về các điểm mạnh/ yếu của game đó và lưu trữ lại bằng bất kì một công cụ nào mà ta cảm thấy thích, miễn sao ta có thể thường xuyên xem lại các bài review đó một cách dễ dàng.
Bằng cách này, chúng ta có thể mở rộng thư viện game của bản thân. Mỗi khi chúng ta cần tham khảo một thiết kế hay từ một game nào đó, chính các bài review và các hình ảnh được lưu trữ lại sẽ giúp ta tìm kiếm lại chúng nhanh hơn rất nhiều so với việc mò mẫm các game mà ta chưa từng chơi trên store. Ngoài ra, thư viện game này cũng giúp ta tìm kiếm nhanh hơn các luận cứ để củng cố cho luận điểm giải thích về một thiết kế là tốt hay là không tốt.